Sự tích Hoa Phù Dung sớm nở tối tàn và ý nghĩa đằng sau

4/5 - (2 bình chọn)

Hoa Phù Dung được ví von là một loài hoa đẹp như tiên nữ, mang vẻ đẹp mong manh, cánh hoa mỏng tựa như sương sớm. Hoa được rất nhiều người ưa chuộng vì vẻ xinh đẹp, yêu kiều của nó. Hoa Phù Dung sớm nở tối tàn còn gắn liền với cuộc đời của một nàng tiên nữ lận đận về tình duyên. 

Hoa Phù Dung sớm nở tối tàn

Về hoa Phù Dung

Hoa phù dung có tên khoa học là Hibiscus Mutabilis.L, thuộc họ Cẩm Quỳ (Malvaceae). Cây còn có nhiều tên khác như Mộc Liên, Sương Giáng, Địa Phù Dung, … Nhưng cánh mỏng của hoa Phù Dung khi nở đan xen lộn xộn đẹp như tà áo tiên, yêu kiều, diễm lệ mà không phải lòa hoa nào cũng có được.

Cây thuộc loại thân gỗ lâu năm, thường mọc thành từng bụi, có lông ngắn, hình sao. Lá cây có năm cánh, cuống có hình trái tim, mép lá có răng cưa và đường kính lá có thể lên đến 15 cm. Lá có màu xanh đậm và mặt dưới có nhiều lông. 

Hoa Phù Dung có hai loại: Hoa đơn có năm cánh và hoa kém có nhiều cánh. Hoa có đường kính tầm 10 – 15 cm, cánh hoa xốp như hoa giấy. Đây là loài hoa khá đặc biệt vì chúng sẽ thay đổi màu sắc từ sáng đến tối, sáng hoa nở có màu trắng, trưa màu hồng và buổi tối là màu đỏ sẫm, rồi tàn. 

Hoa Phù Dung sớm nở tối tàn

Quả có hình cầu, lông màu vàng nhạt và chứa hạt hình trứng.

Lá phù dung được hái vào mùa hè và mùa thu dùng để chế biến trà. Hoa nở vào tháng 8 – 10, thu hái hoa khi hoa mới nở là thời điểm tốt nhất và tiến hành phơi khô. Quả Phù Dung thường được thu hái vào tháng 11. Các bộ phận của cây hoa đều có thể dùng làm thuốc.

Hiện nay cây hoa phù dung được trồng phổ biến ở các nước như Trung Quốc, Philippin, Nhật bản, … Ở nước ta, hoa thường được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc. Đây là một trong những loài hoa màu tím dễ trồng vì thế nếu yêu thích vẻ đẹp của nó bạn hoàn toàn có thể tự mình trồng một vườn hoa nhé.

Sự tích hoa phù dung sớm nở tối tàn

Theo truyền thuyết kể xa xưa lại rằng, có một nàng tiên pháp hiệu là “Phù dung tiên tử”. Nàng có tính tình hiền lành tốt bụng nhưng lại mang nét mặt u buồn tăm tối. 

Hoa Phù Dung sớm nở tối tàn

Nàng tiên này rất được Vương Mẫu nương nương thương yêu, vì vậy nương nương cho nàng một ân huệ đó là được chu du bốn bể, du sơn ngoạn thủy ở chốn trần gian trong một ngày để có thể quên hết mọi buồn phiền, sầu não rồi trở về thiên cung. 

Xuống trần gian, nàng được ngắm nhìn những núi non hùng vĩ, sông hồ xanh ngát, mọi thứ quá đỗi nên thơ và giản dị làm cho nàng quên hết đi mọi buồn phiền nơi tiên cảnh. Nàng muốn được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên nơi đây, nhìn dòng nước xanh mát không kiềm lòng được nàng đã đắm mình vào dòng suối mát. 

Do quá mải mê vui đùa mà nàng đã làm mất lá bùa phi thiên – lá bùa dùng để bay về trời. Nàng vội lên bờ tìm kiếm nhưng chẳng thấy đâu, trời càng lúc càng tối làm cho tiên nữ Phù Dung càng lo lắng và òa khóc nức nở.

Vừa lúc đó có chàng thợ săn tên là Đông Tâm đi săn về và bắt gặp thấy nàng khóc liền hỏi chuyện. Nàng giả vờ rằng mình bị lạc mất người thân và không biết đường về nhà. Đông Tâm liền đưa nàng về nhà mình ở tạm. 

Nhà Đông Tâm rất nghèo và chỉ có một bà mẹ già đang bị bệnh nặng mà thôi. Mẹ chàng bị bệnh nặng nên ngày nào chàng cũng phải vào rừng săn bắn để lấy tiền mua thuốc thang cho mẹ. 

Biết được tình cảnh như thế, Phù Dung khuyên chàng: “Vạn vật trên đời đều có sinh mạng, chàng đừng vì miếng ăn mà tàn sát nhân loài”. Đồng Tâm cũng biết là thế nhưng vì nhà chàng khó khăn quá nếu không săn bắn thì lấy tiền đâu mà mua thuốc thang cho mẹ già. Thấu hiểu tấm lòng hiếu thảo của chàng trai này, Phù Dung nói mình có chút y dược nên hãy để cô lên núi tìm thảo dược về nấu thuốc trị bệnh cho mẹ và tìm rau cải về để ăn tạm, xin chàng đừng săn bắn thú rừng nữa. Mẹ Đông Tâm rất đồng tình với ý kiến này của nàng tiên Phù Dung.

Thế là từ đó mỗi buổi sáng Phù Dung đều dậy từ rất sớm để hứng giọt sương trên cây cỏ, sau đó lên núi tìm những thảo dược quý về nấu thuốc. Còn Đông Tâm thì vào rừng chặt củi gánh về bán. 

Ngày tháng trôi qua, may mắn là bệnh tình của mẹ Đông Tâm đã khỏi hẳn nhưng vì quá lao lực nên Phù Dung đã ngất đi. Đồng Tâm vô cùng biết ơn nàng nên đã chăm sóc rất tận tình cho cô.

Nhìn thấy đôi bàn tay nhỏ nhắn, xinh đẹp của nàng chai sần và bị gai cào trầy xước khi leo núi hái thuốc, đào rễ cây thảo dược để chữa bệnh cho mẹ chàng, Đồng Tâm vô cùng thương cảm và biết ơn Phù Dung. Dần dần hai người nảy sinh tình cảm và yêu nhau, Phù Dung cũng quên mất những việc trên trời và sống hạnh phúc cùng Ðông Tâm nơi trần gian.

Hết một ngày mà Vương Mẫu nương nương không thấy nàng tiên Phù Dung trở về liền bấm quẻ thì biết được sự tình là vì làm mất lá bùa phi thiên nên nàng không thể về trời, lại còn có tình cảm với người phàm, liền cho thiên binh thiên tướng xuống bắt nàng về trời. Trước khi bị bắt về trời Phù Dung trao cho Đông Tâm một viên ngọc lộ có thể nhớ quá khứ vị lai và luôn nhớ nàng.

Sau khi trở về Trời, Vương Mẫu trách tội Phù Dung. Thế nhưng nàng lại nói với Vương Mẫu rằng sẽ bằng lòng đánh đổi đạo hạnh ngàn năm tu hành của mình chỉ với mong muốn được làm người phàm và sống bên Ðông Tâm. Vương mẫu tức giận liền phán rằng: 

Nhân sinh tự sinh tự diệt , khó khăn lắm con mới được thành chính quả, nay vì người phàm mà đánh đổi đạo hạnh ngàn năm thật không đáng, nhân gian không hữu tình như con nghĩ đâu”. 

Phù Dung hết lời van xin và chấp nhận đánh cuộc với Vương mẫu, nếu Ðông Tâm vô tình với mình và không được hạnh phúc bên Ðông tâm, Phù Dung nguyện sẽ không làm người nữa.

Vương mẫu phán tiếp: 

Cho dù Ðông tâm có chung tình bao nhiêu đi nữa cũng không thoát khỏi dư luận xã hội và luân thường đạo lý. Ta vẫn là khuyên con nên suy nghĩ cẩn thận , kẻo hối hận không kịp”. 

Thế nhưng nàng tiên Phù Dung vẫn kiên quyết chấp nhận thử thách.

Phù Dung đầu thai xuống trần nhưng lại làm thân nam nhi chứ không phải là nữ, tuy mang hình hài là của một nam nhân nhưng trái tim và tâm hồn vẫn là nhi nữ. Nàng rất buồn và nuốt lệ cay đắng ráng tìm cho được Đông Tâm, nhưng số trời đã định nên mãi tới 20 năm nàng mới tìm được Đồng Tâm.

Khi gặp lại thấy nàng trong hình dáng nam nhân, Đông Tâm vô cùng ngạc nhiên nhưng vì có viên ngọc lô ngày xưa giúp hai người nhận ra nhau. Họ vui mừng hạnh phúc, nước mắt ngọt, đắng, chát cứ không ngừng rơi. Thế nhưng đau đớn làm sao Đông Tâm đã có vợ và hai con thơ dại. Nàng nghe xót xa nhưng vì cố gắng vượt qua thử thách do Vương mẫu sắp đặt nên đành chấp nhận.

Hai người phải lén lút gặp nhau mỗi tháng vài lần để được ở cạnh nhau. Tuy nhiên, cuối cùng vợ Đồng Tâm cũng đã phát hiện. Chuyện vỡ lỡ nhưng với thân xác này thì có giải thích đến đâu cũng không có ai tin, mọi chuyện đều do Đông Tâm quyết định. 

Vì vợ và con mà chàng bắt buộc chỉ được chọn một trong hai mà thôi. Đông Tâm yêu Phù Dung nhưng vì hai đứa con thơ dại đang than khóc não lòng nên chàng đành buông xuôi phụ bạc nàng để trở về với gia đình của mình.

Trái tim Phù Dung tan nát vụn vỡ từng mảnh trong cơ thể, viên ngọc lộ cũng vì thế mà hóa thành tro bụi. Thế nên nàng vì quá đau buồn, uất ức mà chết đi, linh hồn nàng nương theo cây cỏ thành cây hoa Phù Dung. 

Hoa Phù Dung sớm nở tối tàn

Đông Tâm hay chuyện muốn chết theo nàng nhưng vì còn gánh nặng hai con nhỏ trên vai nên không thể tự sát. Chàng nuốt lệ vào trong, đêm đêm than thở với hoa Phù Dung, nhưng Vương mẫu không muốn nàng vì quyến luyến mà không được siêu thoát nên Người chỉ cho hoa nở vào ban ngày và hoàng hôn xuống thì phai tàn và phải tự rụng để tránh cho Phù Dung phải đau lòng mỗi khi nhìn thấy Đông Tâm.

Ý nghĩa hoa phù dung

Trong những ý nghĩa các loài hoa đã được chia sẻ, Chậu cây xuất khẩu cảm thấy vô cùng xúc động và có một nỗi buồn man mác khi nói về ý nghĩa của hoa phù dung – Loài hoa sớm nở tối tàn và mang trong mình một truyền thuyết buồn.

Như sự tích hoa phù dung ở trên thì hoa phù dung có một cuộc đời sống rất là ngắn ngủi. Hoa nở vào ban sáng và đến tối thì đã tàn. Nó giống như chiếc đồng hồ thời gian trôi nhanh mà không chờ đợi bất cứ ai. Bởi đó chính là cuộc đời, cuộc đời vô thường, cuộc đời hiển nhiên là như vậy. Và đương nhiên, cái đẹp nguy nga, kiêu sa đến mấy rồi cũng sẽ tàn phai theo thời gian.

Hoa Phù Dung mang một nỗi buồn man mác về câu chuyện tình yêu đầy đau thương. Hình ảnh những cánh hoa của phù dung chuyển đổi màu từ sáng đến chiều và tối thì tàn lụi cũng giống như những giai đoạn trong tình yêu vậy, dù có những giai đoạn hạnh phúc nhưng tất cả rồi cũng sẽ tàn phai, chia lìa. 

Vì vậy, mỗi khi ngắm hoa Phù Dung là mỗi lần chúng ta nên nhắc nhở bản thân không có gì là mãi mãi vì vậy đừng quá trông chờ và hy vọng vào tình yêu quá nhiều.

Đặc biệt, vì đặc tính “sớm nở tối tàn”, màu sắc thay đổi theo từng thời điểm rồi lụi tàn khiến nó đã trở thành loại hoa kiêng kị cho việc thờ cúng. Và tất nhiên đây cũng là loài hoa không nên chưng cúng ngày Tết.

Trong những loài hoa buồn, mang cảm giác bi thương, ngoài hoa Phù Dung không thể không nhắc đến hoa bỉ ngạn. Nếu bạn muốn khám phá thêm thì có thể xem thêm bài chia sẻ “Ý nghĩa của hoa bỉ ngạn trắng và truyền thuyết của nó” ở phần trước.

Công dụng từ cây hoa phù dung

Thành phần hóa học có trong hoa Phù Dung là Anthocyanin, Isoquercitrin, Hyperin, Hyperoside, Spiraeoside, Rutin, Quercitin-4’-glucoside, Quercimeritrin… Trong hoa và lá đều có chất nhầy dính. Vì vậy, cây hoa Phù Dung giúp chữa được nhiều bệnh khác nhau như:

  • Chữa chắp và lẹo mắt: Chuẩn bị hoa phù dung và bạc hà tươi, mỗi thứ 3g, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên chỗ chắp hoặc lẹo mắt, mỗi ngày làm 2 – 3 lần.
  • Chữa mụn nhọt: Chuẩn bị lá hoặc hoa phù dung với 20g, đem giã nhỏ đắp lên chỗ có mụn nhọt. Khi thuốc khô lại thì thay thuốc khác. Cách này có tác dụng với mụn mới mưng mủ, có thể giúp đỡ đau và mụn sẽ tiêu đi; nếu mụn đã chín thì phù dung sẽ giúp mụn nhanh vỡ mủ.
  • Chữa sưng vú: Hoa hoặc lá phù dung giúp chữa sưng vú với 50g, mầm húng lủi 50g. Hai vị dùng tươi, rửa sạch và giã đắp. Ngày đắp một lần vào buổi trưa và đắp liên tục trong vòng 3 ngày.
  • Chữa viêm khớp: Dùng hoa phù dung trị bệnh và xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hạt) mỗi thứ 15g, hai thứ nghiền nhỏ, trộn với mật ong rồi đắp lên những nơi khớp bị viêm. Ngày đắp một lần vào buổi tối và đắp liên tục trong vòng 5 ngày. 
  • Chữa zona (giời leo): Chuẩn bị lá hoặc hoa phù dung, phơi khô trong bóng râm, tán bột, trộn với giấm gạo sau đó bôi vết thương, ngày bôi 3-4 lần.
  • Chữa bệnh ho ra máu: Dùng hoa phù dung tầm 9-10 bông, sắc nước uống; ngày 2-3 lần sẽ giúp cải thiện dần bệnh ho ra máu.
  • Chữa đau mắt đỏ: Dùng lá phù dung, phơi khô trong bóng râm (âm can), tán mịn, trộn với nước thành thứ bột nhão rồi đắp lên 2 thái dương, dùng băng dính để cố định lại; ngày thay thuốc 2-3 lần.

Nếu là một người yêu hoa thích bóng mát, thích trang trí cho không gian sống của mình chắc chắn bạn không thể bỏ qua loài hoa Phù Dung này.  

Tuy hoa Phù Dung sớm nở tối tàn nhưng khi chúng nở lại mang vẻ đẹp rực rỡ làm bừng sáng không gian. Bên cạnh đó, chúng còn được dùng làm thuốc để chữa rất nhiều loại bệnh.

Bài viết liên quan

Cây cẩm nhung: Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng & chăm sóc

Cây cẩm nhung với hình dáng nhỏ nhắn, xinh xắn đang làm mưa gió trong...

Cây cau tiểu trâm: Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng & chăm sóc

Cau tiểu trâm hiện đang là một loại cây cảnh khá được yêu thích, được...

Cây trắc: Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng & chăm sóc

Cây trắc hay cây gỗ trắc là một trong những loài cây cung cấp gỗ...

Cây lan bình rượu: Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng & chăm sóc

Cây lan bình rượu với hình dáng độc lạ nên rất được ưa chuộng. Nó...

Sen đá hồng tâm: Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng & chăm sóc

Trong thế giới của các loài sen đá, khi gợi nhắc đến sự dịu dàng...

Sen đá chuỗi ngọc bi: Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng & chăm sóc

Cây sen đá chuỗi ngọc bi không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp của mình...